Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm lộ ra nhiều vấn đề còn bất cập của pháp luật, đặc biệt là việc còn rất nhiều loại “giấy phép con” bất hợp lý gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp. Điều Chính phủ cần làm hiện tại là loại bỏ các loại “Giấy phép con” không còn phù hợp với điều kiện thực tế vì lợi ích doanh nghiệp.
Một số loại giấy phép con cần được loại bỏ vì lợi ích doanh nghiệp
1. Hiện trạng “Giấy phép con” áp dụng cho doanh nghiệp hiện nay
Điều kiện kinh doanh hay còn gọi là “Giấy phép con”, là điều kiện được đặt ra cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo luật đầu 2020 thì hiện nay có 227 ngành nghề đầu tư có điều kiện và 6 ngành nghề bị cấm. Tuy nhiên theo thống kê mới nhất thì có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”); 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”). Trong đó, có rất nhiều loại giấy phép không cần thiết và thể hiện sự cứng nhắc của pháp luật.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực vận tải nói chung và vận tải du lịch nói riêng, cần có những điều kiện kinh doanh để bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách bởi xe cộ là nguồn nguy hiểm cao độ. Nhưng khi cơ quan quản lý đưa ra điều kiện xe du lịch phải có thêm… thùng rác như trong một dự thảo thông tư, thì người ta không thể thấy thuyết phục. Những vấn đề thuộc về chất lượng như vậy nên để cho thị trường quyết định, bởi thị trường có những phân khúc khách hàng yêu cầu chất lượng rất khác nhau.
Điều đáng tiếc là trong dự thảo danh mục mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, có rất nhiều điều kiện kinh doanh như vậy. Có thể kể đến, dù còn tranh cãi: Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên; người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phải có thời gian ít nhất bốn năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành; doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có tối thiểu 5 xe ô tô…
Có thể thấy trước, việc thuyết phục các bộ, ngành để loại bỏ các điều kiện kinh doanh là việc không dễ dàng. Nếu như Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có những trường hợp cố tình ban hành thêm “giấy phép con” vì lợi ích cục bộ, thì Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh Nguyễn Bá n lại chỉ ra một thực trạng khác: Các bộ, ngành cứ nghĩ quản lý là phải như vậy.
2. Bất cập về “Giấy phép con” trong đại dịch Covid - 19
Trưa 24/8, báo chí đưa tin hàng chục xe chở hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất… hướng từ TP HCM về TP. Cần Thơ bị ùn ứ tại chốt kiểm soát do quy định “xe phải đăng ký trước" với Sở Công Thương TP. Cần Thơ. Sau một thời gian ùn ứ trên Quốc lộ 1, xe chở hàng được cho phép vào điểm tập kết tại bến xe khách trung tâm TP. Cần Thơ để chờ giải quyết.
Có doanh nghiệp cho biết, đã đăng ký theo yêu cầu với Sở Công Thương TP. Cần Thơ từ thứ 7 tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thậm chí có những xe đã đăng ký luồng xanh, có mã QR, chạy đúng tuyến là đi Quốc lộ Nam Sông Hậu, (quá cảnh - không vào TP Cần Thơ) đến Hậu Giang cũng bị kẹt lại nửa ngày và được yêu cầu phải đăng ký với Sở Công Thương TP Cần Thơ hoặc phải đi vòng xuống TP Ngã Bảy, rất mất thời gian và chi phí…
Nguyên nhân ùn ứ được báo chí phản ánh là do TP. Cần Thơ có quy định từ ngày 23/8, tất cả các xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa, đều phải đăng ký trước, đồng thời tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do TP quy định, trường hợp hàng hóa không xuống hàng sang xe thì phải đổi tài xế”.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng cho biết, do số lượng đăng ký nhiều cho nên giải quyết không kịp đề nghị của doanh nghiệp. Đồng thời bày tỏ, quy định không cho tài xế từ nơi khác vào để đảm bảo cho TP “sạch”, hạn chế lây lan dịch bệnh nên doanh nghiệp cần chia sẻ.
Biết rằng, trong giai đoạn này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, việc siết chặt kiểm soát đi lại không có nghĩa là “đẻ thêm những giấy phép con” trái quy định của Trung ương, cản trở lưu thông hàng hóa.
Trên đây chỉ là một số những loại Giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp cả trước và trong đại dịch. Điều Chính phủ cần làm lúc này là giảm bớt một số loại giấy phép con không cần thiết này vì lợi ích của các doanh nghiệp.
Công ty TRUELAW
Hotline tư vấn miễn phí 24/7: 0978 821 823
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 15 Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0978 821 823
Email: vphn@truelaw.vn
Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0978 821 823
Email: vphcm@truelaw.vn